...


.. Dưới trần đã quá mải mê..
Lên không tìm chốn đi về thênh thang....TTM ... .
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần - Ðầu cành khô bỗng hoa nở tràn.- Pham Duy-TVK
- Brian Crain

Sunday, March 31, 2013

Đọc "TCS - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật"


Có lẽ biết tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn, cho nên người bạn của tôi đã mua quyển này tặng vào một ngày tháng 3/2012. Sách của TCS thì tôi có được vài quyển.. to to, nhưng mỗi quyển viết về một lãnh vực khác của TCS, cái tựa sách nghe là lạ do nhà lý luận phê bình Bùi Vĩnh Phúc ở Tustin Ranch, California viết về "Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật"

Tôi có quyển sách này tính đến hôm nay cũng vừa tròn một năm, sách được để ở đầu giường lâu lâu lại mở ra đọc lại đó bạn ạ!

Chẳng lẽ chẳng viết gì khi nói về sách, thì thôi vậy đành ngồi gõ một đoạn phỏng vấn giữa hai nhà: Tiến sĩ Luật, nhà văn, nhà phê bình âm nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh với nhà lý luận phê bình Bùi Vĩnh Phúc của như sau:

Tôi chụp hình bìa sách.

Bùi Vĩnh Phúc
(lấy từ net)




".....

PVKT: Tôi nhận thấy là chuyên luận của anh áp dụng một phương pháp luận khá rõ nét để đi vào thế giới Trịnh Công Sơn. Anh có thể nói thêm chút gì về phương pháp luận và những thao tác nghệ thuật mà anh đã sử dụng để viết cuốn sách?

BVP: Chủ yếu, tôi dùng thi pháp học để nhìn vào thời gian và không gian nghệ thuật trong thế giới của Trịnh Công Sơn, cái thế giới mà anh đã dùng ngôn ngữ qua ca từ hết sức đặc thù của mình để tạo nên. Cấu trúc không gian và tổ chức thời gian của một nghệ sĩ, một nhà văn, một nhà thơ, cho ta nhìn thấy rõ thế giới của anh. Cái thế giới ấy được xây dựng nên từ những ám ảnh, những ám ảnh nghệ thuật.

Tôi nhìn Trịnh Công Sơn như một nhà thơ qua ca từ của anh, bởi chính với con người nhà thơ ấy, Trịnh Công Sơn mới hiển hiện giữa chúng ta vừa như một dấu ấn lửa, ghi khắc một giai đoạn đầy tính tàn khốc và bi kịch của lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20, vừa như một dấu ấn tình yêu ngọt ngào và đau xót qua biết bao bài hát đẹp tươi và bất hạnh của anh. Con người ấy trong khi xây dựng nên thế giới của mình thì, đồng thời, cũng tự buộc mình vào chính cái thế giới ấy. Anh bị những hình ảnh, những biểu tượng của chính những giấc mơ mình, như những sợi dây, giằng cuốn và ghì xiết. Anh là người đan dệt nên tấm lưới nhiều chiều kia, và anh cũng là “con mồi” của tấm lưới ấy. Anh bị nó đánh bẫy. Anh mang một hình ảnh song trùng, vừa là kẻ sáng tạo, vừa là nạn nhân của chính sáng tạo mình. Ngôn ngữ, ở đây, chính là vật liệu để xây dựng cái thế giới kia. Nói như Heidegger, “ngôn ngữ là căn nhà của hiện hữu”, là “ngôi nhà An cư của Tính thể”. Bởi thế, tôi cũng khảo sát nhiều chiều ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, nếu nhìn Trịnh Công Sơn như một nhà thơ, thì chỉ qua ngôn ngữ của anh, ta mới có thể thâm nhập được vào cái thế giới bên trong của con người nhà thơ ấy.

Ngoài ra, tôi cũng dùng phương pháp xếp chồng văn bản của Charles Mauron để đi sâu vào con người vô thức của Trịnh Công Sơn...

PVKT: Tôi có được nghe nói về phương pháp này, nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ. Anh có thể cho tôi và các độc giả biết chút ít về phương pháp vừa nói?

BVP: Như tôi đã có dịp trình bày phần nào trong cuốn sách, phương pháp xếp chồng văn bản (superposition) của Charles Mauron có gắn bó với phân tâm học. Trong cái nhìn của tôi, nó cũng là một dạng đặc biệt của phê bình văn học dựa trên nghiên cứu liên văn bản (inter-textual).

Liên văn bản nối kết nhiều loại văn bản khác nhau, từ nhiều nguồn, nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, để làm thành một “tấm vải” đan kết chằng chịt bởi những trích dẫn khác biệt. Những “tấm vải” này sẽ có hình dáng khác nhau trong sự nhìn ngắm cụ thể của mỗi một người đọc. Với kinh nghiệm, cá tính, cùng tất cả những yếu tố khác tạo nên con người đặc thù của mình, người đọc sẽ nhìn ra trong tác phẩm mình đang đọc dần dần hiện lên hình dáng “tấm vải văn bản” của tác phẩm mà người ấy đang tiếp cận. Từ đó, dẫn đến ý nghĩa của tác phẩm đối với riêng người ấy. Khái niệm “liên văn bản”, như thế, gắn bó chặt chẽ với vai trò và cá tính của người đọc. Từ đó, nó lại liên hệ đến phương pháp phê bình dựa trên sự hồi ứng của người đọc (reader-response criticism). Và, nói rộng hơn, nó liên hệ đến mỹ học tiếp nhận (reception theory) phát xuất từ trường phái Konstanz của Ðức.

Phương pháp liên văn bản thường sử dụng không những các văn bản có tính văn học khác để soi chiếu một tác phẩm, mà nó còn sử dụng các huyền thoại, truyền thuyết như là những nguồn, cung cấp những dữ kiện, những hình ảnh, những yếu tố để, qua đó, mỗi người đọc đặc thù tự “dệt” nên “tấm thảm văn bản” cho chính mình. Trong khi đó, phương pháp xếp chồng văn bản thường chỉ sử dụng những tác phẩm khác nhau của một tác giả, hoặc “chồng” các văn bản cùng thể loại của một số tác giả khác nhau được nghiên cứu để tìm những đường nét của huyền thoại tập thể; từ đó, cũng làm phát hiện huyền thoại cá nhân của mỗi tác giả. Mauron đã xếp chồng một số tác phẩm của Baudelaire để tìm hiểu những ẩn dụ ám ảnh của nhà thơ này. Ông cũng đã làm thế với Mallarmé để tìm hiểu hệ thống từ vựng, từ đó, đi đến hệ thống ẩn dụ của nhà thơ.

PVKT: Áp dụng phương pháp này vào việc nghiên cứu các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, anh có thể phát hiện được điều gì?

BVP: Như tôi đã trình bày, phương pháp xếp chồng văn bản, với nỗ lực gắn phân tâm học vào phê bình văn học, sẽ cho ta những cơ hội để nghiên cứu những mạng lưới liên tưởng trong ngôn ngữ và hình ảnh được thể hiện trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Nó sẽ giúp ta khám phá ra những ám ảnh mà anh luôn ôm ấp trong đời sống cũng như trong những giấc mơ giữa đời của mình. Từ sự liên kết các mối ám ảnh này qua những văn bản là hàng trăm bài hát của Trịnh Công Sơn, ta có thể nghe ra các tiếng vọng dội âm nhau cũng như các hình ảnh phóng chiếu, khúc xạ lẫn nhau trong những giấc mơ về đời sống cũng như qua những giấc mơ về một cõi thiên thu giữa cuộc đời của anh.

Tất cả những ám ảnh này làm nên con người vô thức của tác giả. Nó có thể phác họa nên một cấu trúc tinh thần, dẫn đến một thứ mà Mauron gọi là “huyền thoại cá nhân” của một nhà văn, một nghệ sĩ. Tất cả những ám ảnh đó kết thành một mạng lưới cho chúng ta thấy rõ ràng những suy tư về cuộc đời, thân phận, con người, tình yêu của Trịnh Công Sơn. Nỗ lực của tôi, như thế, là muốn kết hợp phân tâm học và thi pháp học với những phân tích hiện tượng luận để đưa ra một cái nhìn về ngôn ngữ và thế giới nghệ thuật cũng như những ám ảnh nghệ thuật của người nhạc sĩ.
 ................. "





Cách viết sách rất lạ, nhưng dạo này tôi lười suy nghĩ lắm đó bạn ạ! nên từ dạo bạn tặng cho, tôi chỉ đọc thôi! chẳng viết gì về quyển sách, chẳng viết cũng chỉ vì tôi không đủ lời để viết đó mà.. Đêm hôm qua chợt nhớ đến ngày ông rời cõi tạm.. thoát đó đã mười hai năm,  những ca từ của TCS vẫn chu du trong thiên hà thẩm thấu tự nhiên vào ta, ông vẫn vượt thời gian mà sống mãi nhỉ?

Cuối cùng, điều tôi muốn nói là tôi đưa vài giòng viết về quyển sách về entry này, chẳng phải vì tôi nhớ ông, ông chẳng cần chúng ta nhớ ông vì ông vẫn sống đó, mà vì tôi nhớ đến bạn, chẳng nhớ gì đặc biệt cả, chỉ là nhớ đến mà thôi!

Ôi! cũng chỉ vì những cái duyên ở cõi tạm này!


TTM.
SG. 31/3/2013



Nghe TCS hát "Hôm nay tôi nghe"



16 comments:

  1. TCS ngoài nhạc sỹ, ông ấy còn là người mà rất nhiều người còn ngạc nhiên khi khám phá về ông ấy chị nhỉ! Nhân ngày giỗ ông_chúc ông an lạc!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sáng giờ chị ra ngoài, nên chỉ gõ thêm được mỗi chữ Vàng cho chữ Tem của em.. hihi

      Delete
  2. À, ham đọc em quên mất công việc quen thuộc là:
    TEMMMMMMMMMM

    ReplyDelete
  3. Replies
    1. Thì dzìa đi, chứ Dzà em có gì mà đọc đâu :)

      Delete
  4. Bọn trẻ bây giờ ít tặng sách cho nhau M à. Món quà hay quá, để đầu giường thỉnh thoảng mở ra đọc vài trang và nhớ đến bạn, nhớ món quà. Niềm vui dễ thương phải không!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng thế, những niềm vui nho nhỏ nhưng dễ thương Minh An nhỉ?

      Delete
  5. Hôm qua em xem Đêm nhạc Trịnh thật tuyệt, chị xem lại ở đây nhé:
    Đêm nhạc Đóa hoa vô thường sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình HTV2 lúc 19 giờ ngày 6-4 và kênh giải trí tổng hợp VCTV1 lúc 20 giờ 30 phút ngày 7-4.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tiếc là hôm ấy chị đi làm rồi, bên xứ ấy TV của chị chỉ thu được mỗi VTV1 và VTV3 thôi em ơi! Tiếc chưa?

      Delete
  6. GM bỏ quá cho chứ thiệt tình thì HN mệt mỏi với những vấn đề lý luận nên không care nhiều với đầu sách này, HN chỉ đồng tình với TCS là:"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..." dù chỉ là "Để gió cuốn đi". Những khi buồn chán, mệt mỏi với kiếp người HN lại mượn câu này để nhắc mình: "Hãy yêu ngày tới, dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời, ta cứ vui!" và cám ơn TCS về điều đó. Có bao giờ GM giống HN thế này không??

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Hồng Ngọc ơi! Khi nào mà thấy chán cho kiếp người quá thì nhào vào đây gõ gõ vài giòng nha! Bà già sẽ chọc cho cười đến hết chán nha. Còn Bà già này nếu có buồn chán mệt mỏi thì cũng không dám la làng nữa đó huhu.

      Delete
  7. Nói chồng văn bản, nối liền văn bản nghe lạ và to tát quá chứ thực ra có phải thế này không?
    * Tôi thích hoa sứ, muốn có một cây sứ hoa đỏ, gốc to, thế rể hoành tráng:
    - Tôi đọc sách nói về cách chọn giống hoa tốt
    - Đọc sách nói về đặc tính sinh trưởng của hoa
    - Đọc sách nói về cách chăm cây cho nhiều hoa nhiều rể
    - Đọc sách nói về cách chống sâu bệnh cho hoa
    - Đọc sách để có kiến thức về phân bón, thuốc trừ sâu
    Như vậy có xem là tôi đã dùng phương pháp nối liền văn bản hoặc chồng văn bản trong việc trồng hoa sứ không
    Chủ nhà đọc sách của Bùi Vĩnh Phúc vết về Trịnh rồi nói cho nghe với
    cảm ơn nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Bu ơi! Để Bà già đọc và nghiên cứu thêm một năm nữa mới viết cảm nhận nha!

      Delete
  8. Em hiểu chồng văn bản là lấy thông tin từ nhiều văn bản khác nhau để hiểu thấu đáo tác giả của nó. Tiếc rằng ông BVP chỉ nói lý luận mà không dẫn ra một vài ví dụ, bài A TCS viết thế này, bài B, bài C... bài X thì TCS viết thế kia... cho ta thấy một thông tin gì đó. Nếu em Pv em sẽ hỏi như thế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quyển sách rất dày Toro ạ. trong sách nói cũng nhiều lắm dẫn ra không hết được.

      Delete

:) :( :)) :(( =))


Photobucket

Vài giòng xin gửi nơi đây..

Những dấu chân..

Flag Counter