...


.. Dưới trần đã quá mải mê..
Lên không tìm chốn đi về thênh thang....TTM ... .
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần - Ðầu cành khô bỗng hoa nở tràn.- Pham Duy-TVK
- Brian Crain

Sunday, March 31, 2013

Đọc "TCS - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật"


Có lẽ biết tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn, cho nên người bạn của tôi đã mua quyển này tặng vào một ngày tháng 3/2012. Sách của TCS thì tôi có được vài quyển.. to to, nhưng mỗi quyển viết về một lãnh vực khác của TCS, cái tựa sách nghe là lạ do nhà lý luận phê bình Bùi Vĩnh Phúc ở Tustin Ranch, California viết về "Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật"

Tôi có quyển sách này tính đến hôm nay cũng vừa tròn một năm, sách được để ở đầu giường lâu lâu lại mở ra đọc lại đó bạn ạ!

Chẳng lẽ chẳng viết gì khi nói về sách, thì thôi vậy đành ngồi gõ một đoạn phỏng vấn giữa hai nhà: Tiến sĩ Luật, nhà văn, nhà phê bình âm nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh với nhà lý luận phê bình Bùi Vĩnh Phúc của như sau:

Tôi chụp hình bìa sách.

Bùi Vĩnh Phúc
(lấy từ net)




".....

PVKT: Tôi nhận thấy là chuyên luận của anh áp dụng một phương pháp luận khá rõ nét để đi vào thế giới Trịnh Công Sơn. Anh có thể nói thêm chút gì về phương pháp luận và những thao tác nghệ thuật mà anh đã sử dụng để viết cuốn sách?

BVP: Chủ yếu, tôi dùng thi pháp học để nhìn vào thời gian và không gian nghệ thuật trong thế giới của Trịnh Công Sơn, cái thế giới mà anh đã dùng ngôn ngữ qua ca từ hết sức đặc thù của mình để tạo nên. Cấu trúc không gian và tổ chức thời gian của một nghệ sĩ, một nhà văn, một nhà thơ, cho ta nhìn thấy rõ thế giới của anh. Cái thế giới ấy được xây dựng nên từ những ám ảnh, những ám ảnh nghệ thuật.

Tôi nhìn Trịnh Công Sơn như một nhà thơ qua ca từ của anh, bởi chính với con người nhà thơ ấy, Trịnh Công Sơn mới hiển hiện giữa chúng ta vừa như một dấu ấn lửa, ghi khắc một giai đoạn đầy tính tàn khốc và bi kịch của lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20, vừa như một dấu ấn tình yêu ngọt ngào và đau xót qua biết bao bài hát đẹp tươi và bất hạnh của anh. Con người ấy trong khi xây dựng nên thế giới của mình thì, đồng thời, cũng tự buộc mình vào chính cái thế giới ấy. Anh bị những hình ảnh, những biểu tượng của chính những giấc mơ mình, như những sợi dây, giằng cuốn và ghì xiết. Anh là người đan dệt nên tấm lưới nhiều chiều kia, và anh cũng là “con mồi” của tấm lưới ấy. Anh bị nó đánh bẫy. Anh mang một hình ảnh song trùng, vừa là kẻ sáng tạo, vừa là nạn nhân của chính sáng tạo mình. Ngôn ngữ, ở đây, chính là vật liệu để xây dựng cái thế giới kia. Nói như Heidegger, “ngôn ngữ là căn nhà của hiện hữu”, là “ngôi nhà An cư của Tính thể”. Bởi thế, tôi cũng khảo sát nhiều chiều ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, nếu nhìn Trịnh Công Sơn như một nhà thơ, thì chỉ qua ngôn ngữ của anh, ta mới có thể thâm nhập được vào cái thế giới bên trong của con người nhà thơ ấy.

Ngoài ra, tôi cũng dùng phương pháp xếp chồng văn bản của Charles Mauron để đi sâu vào con người vô thức của Trịnh Công Sơn...

PVKT: Tôi có được nghe nói về phương pháp này, nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ. Anh có thể cho tôi và các độc giả biết chút ít về phương pháp vừa nói?

BVP: Như tôi đã có dịp trình bày phần nào trong cuốn sách, phương pháp xếp chồng văn bản (superposition) của Charles Mauron có gắn bó với phân tâm học. Trong cái nhìn của tôi, nó cũng là một dạng đặc biệt của phê bình văn học dựa trên nghiên cứu liên văn bản (inter-textual).

Liên văn bản nối kết nhiều loại văn bản khác nhau, từ nhiều nguồn, nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, để làm thành một “tấm vải” đan kết chằng chịt bởi những trích dẫn khác biệt. Những “tấm vải” này sẽ có hình dáng khác nhau trong sự nhìn ngắm cụ thể của mỗi một người đọc. Với kinh nghiệm, cá tính, cùng tất cả những yếu tố khác tạo nên con người đặc thù của mình, người đọc sẽ nhìn ra trong tác phẩm mình đang đọc dần dần hiện lên hình dáng “tấm vải văn bản” của tác phẩm mà người ấy đang tiếp cận. Từ đó, dẫn đến ý nghĩa của tác phẩm đối với riêng người ấy. Khái niệm “liên văn bản”, như thế, gắn bó chặt chẽ với vai trò và cá tính của người đọc. Từ đó, nó lại liên hệ đến phương pháp phê bình dựa trên sự hồi ứng của người đọc (reader-response criticism). Và, nói rộng hơn, nó liên hệ đến mỹ học tiếp nhận (reception theory) phát xuất từ trường phái Konstanz của Ðức.

Phương pháp liên văn bản thường sử dụng không những các văn bản có tính văn học khác để soi chiếu một tác phẩm, mà nó còn sử dụng các huyền thoại, truyền thuyết như là những nguồn, cung cấp những dữ kiện, những hình ảnh, những yếu tố để, qua đó, mỗi người đọc đặc thù tự “dệt” nên “tấm thảm văn bản” cho chính mình. Trong khi đó, phương pháp xếp chồng văn bản thường chỉ sử dụng những tác phẩm khác nhau của một tác giả, hoặc “chồng” các văn bản cùng thể loại của một số tác giả khác nhau được nghiên cứu để tìm những đường nét của huyền thoại tập thể; từ đó, cũng làm phát hiện huyền thoại cá nhân của mỗi tác giả. Mauron đã xếp chồng một số tác phẩm của Baudelaire để tìm hiểu những ẩn dụ ám ảnh của nhà thơ này. Ông cũng đã làm thế với Mallarmé để tìm hiểu hệ thống từ vựng, từ đó, đi đến hệ thống ẩn dụ của nhà thơ.

PVKT: Áp dụng phương pháp này vào việc nghiên cứu các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, anh có thể phát hiện được điều gì?

BVP: Như tôi đã trình bày, phương pháp xếp chồng văn bản, với nỗ lực gắn phân tâm học vào phê bình văn học, sẽ cho ta những cơ hội để nghiên cứu những mạng lưới liên tưởng trong ngôn ngữ và hình ảnh được thể hiện trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Nó sẽ giúp ta khám phá ra những ám ảnh mà anh luôn ôm ấp trong đời sống cũng như trong những giấc mơ giữa đời của mình. Từ sự liên kết các mối ám ảnh này qua những văn bản là hàng trăm bài hát của Trịnh Công Sơn, ta có thể nghe ra các tiếng vọng dội âm nhau cũng như các hình ảnh phóng chiếu, khúc xạ lẫn nhau trong những giấc mơ về đời sống cũng như qua những giấc mơ về một cõi thiên thu giữa cuộc đời của anh.

Tất cả những ám ảnh này làm nên con người vô thức của tác giả. Nó có thể phác họa nên một cấu trúc tinh thần, dẫn đến một thứ mà Mauron gọi là “huyền thoại cá nhân” của một nhà văn, một nghệ sĩ. Tất cả những ám ảnh đó kết thành một mạng lưới cho chúng ta thấy rõ ràng những suy tư về cuộc đời, thân phận, con người, tình yêu của Trịnh Công Sơn. Nỗ lực của tôi, như thế, là muốn kết hợp phân tâm học và thi pháp học với những phân tích hiện tượng luận để đưa ra một cái nhìn về ngôn ngữ và thế giới nghệ thuật cũng như những ám ảnh nghệ thuật của người nhạc sĩ.
 ................. "





Cách viết sách rất lạ, nhưng dạo này tôi lười suy nghĩ lắm đó bạn ạ! nên từ dạo bạn tặng cho, tôi chỉ đọc thôi! chẳng viết gì về quyển sách, chẳng viết cũng chỉ vì tôi không đủ lời để viết đó mà.. Đêm hôm qua chợt nhớ đến ngày ông rời cõi tạm.. thoát đó đã mười hai năm,  những ca từ của TCS vẫn chu du trong thiên hà thẩm thấu tự nhiên vào ta, ông vẫn vượt thời gian mà sống mãi nhỉ?

Cuối cùng, điều tôi muốn nói là tôi đưa vài giòng viết về quyển sách về entry này, chẳng phải vì tôi nhớ ông, ông chẳng cần chúng ta nhớ ông vì ông vẫn sống đó, mà vì tôi nhớ đến bạn, chẳng nhớ gì đặc biệt cả, chỉ là nhớ đến mà thôi!

Ôi! cũng chỉ vì những cái duyên ở cõi tạm này!


TTM.
SG. 31/3/2013



Nghe TCS hát "Hôm nay tôi nghe"



--> Read more..

Thursday, March 28, 2013

Về Định Quán.


Xuân đã qua
Mai vàng nơi ấy đã rụng cánh
Kết hạt




Mai vàng mùng 2 tết Quý Tỵ



Nhớ hôm ấy
Lá rụng trước hiên
Nhà huyên đầy sắc nắng.





Hôm nay con lại về
Quét lá rụng trước huyên đường
Thắp cho mẹ nén nhang ngày giỗ


TTM
SG. Giỗ mẹ 18/2 Quý Tỵ.
04/04/1988- 29/3/2013 Mậu Thìn - Quý Tỵ




--> Read more..

Monday, March 25, 2013

Tháng ba.. mưa !


Buổi sáng cuối tháng ba, thức giấc
Mặt trời đỏ mây che khuất, trời âm u!
Tháng ba.. mưa?









Đêm qua trăng đỏ quạch
Khuya, chợt nghe tiếng rỉ rả
Sáng nay.. mưa



 


Trời mát.. 



TTM
SG. 26/3/2013



Cám ơn anh Bảo Lê về link nhạc này.


--> Read more..

Friday, March 22, 2013

Một ngày trôi qua..


Bao lần trên những chuyến bay đêm, đêm qua cũng trên chuyến bay đêm, từ trên cao nhìn xuống vùng đất Việt Nam, đèn khuya lấp lánh.. lòng người cũng lấp lánh theo, ừ nhỉ! con người đôi khi cũng giống như cánh vạc mà thôi, cứ trải dài, trải dài theo năm tháng..




Về đến nhà thì trời đã khuya, hương hoa Nguyệt Quế về đêm thật thơm, thơm ngan ngát..





Sáng thức giấc vẫn tưởng mình đang đi làm, quay người lại thì ơ kìa mặt trời đã lên, mình đang ở nhà cơ mà..





Leo lên tầng thượng, những hoa và nắng...
Còn nhiều hoa và cảnh lắm nhưng chỉ khoe hoa Giấy thôi.



Chiều, sau một buổi sáng với tí việc, buổi chiều cũng chẳng làm gì nhiều.. nhưng - cả người - hình như ê ẩm lắm, cũng đúng thôi, thời gian không hương không sắc không mùi vị, nhưng thời gian lại làm cho mọi thứ phôi phai, hoa nở hoa tàn, nở rồi tàn.. người cũng thế thôi mà, ơ nhưng mà ở dưới khoảng sân trống kia chiều nay đầy trẻ già, trên không vài cánh diều bay, tôi chợt quên cái già..





 










Đang quay ống kính ở dưới sân thì dáng của ba trẻ này hiện ra ở trong màn hình, hihi.. chàng nhỏ nhà mình và 2 người bạn.


Và kìa, trên cao một nửa vầng trăng đã lơ lửng trên bầu trời, ánh trăng chiều..


Chiều, "trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày..."
Một ngày của bà già như thế đó, đã trôi qua - hình như - rất bình yên.

TTM.
SG. 22/01/2013




--> Read more..

Tuesday, March 19, 2013

Mai ta về..



Mai ta về

Thăm
Gốc khế cuối vuờn, hoa còn tím ngát
Quả đã chín vàng, cho ta ép nước uống mềm môi..








Thăm
Gốc Lộc vừng, năm nay đã bói hoa
Có trổ cho ta thêm vài dây dài đỏ thắm..





Thăm
Gốc đu đủ quả trĩu cây
Hôm nay quả còn xanh hay đã chín vàng..


Quả đu đủ và nước khế ép.



Mai tôi về

Ngõ khuya vắng, vàng đèn màu hiu hắt
Dõi lối khuya tôi về..

Trăng thượng tuần, giữa sợi mây trăng trắng
khuyết đến cả nửa đời qua...


TTM
PP. 2013/03/18
2013/03/21 ~ 04/05


--> Read more..

Tuesday, March 12, 2013

Tháng ba..




Tháng ba
ốm..





 
--> Read more..

Sunday, March 3, 2013

60








Ngày mai ta đã sáu mươi
Bao vòng nhật nguyệt khóc cười trong ta 
Đời người lặn lội bôn ba
Thác ghềnh bão táp biết là truân chuyên

Nhớ xưa mắt sáng đen huyền
Ngày nay tất cả đã truyền cho con 
Đôi môi xưa đỏ hỏn hon 
Bây giờ còn chút phấn son với đời

Ngày xưa tóc ánh đen ngời
Bây giờ rơi rụng theo đời gió mưa..
Hai vai xưa gánh sớm trưa 
Bây giờ vẫn gánh đong đưa đời mình..


TTM0123
PP. Vài giòng cho tuổi 60 (23/1)

Chiều tà
Nguyên tác: Sérénata.
Tác giả: Enrico Toselli.
Lời Việt: Phạm Duy.


--> Read more..

Photobucket

Vài giòng xin gửi nơi đây..

Những dấu chân..

Flag Counter